Ngày 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2016/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế... Ngày 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2016/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
Nghị định này quy định về sản xuất, sang chai đóng gói, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, lưu hành, mua bán, vận chuyển và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Theo Nghị định thì các cơ sở sản xuất chế phẩm phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Điều kiện đối với cơ sở sản xuất chế phẩm: Cơ sở là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Điều kiện về nhân sự: Có ít nhất 01 người chuyên trách về an toàn hóa chất đáp ứng các yêu cầu sau: Có trình độ từ trung cấp về hóa học trở lên; Là người làm việc toàn thời gian tại cơ sở sản xuất; Có văn bản phân công chuyên trách về an toàn hóa chất. Đối với cơ sở sản xuất chế phẩm thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật về hóa chất, người trực tiếp điều hành sản xuất phải đáp ứng yêu cầu trên và có trình độ đại học về hóa học trở lên. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị: - Có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cất giữ, bảo quản hóa chất; xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất; phòng ngừa sự cố hóa chất, có trang thiết bị, lực lượng ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật về hóa chất. - Có phòng kiểm nghiệm kiểm nghiệm được thành phần và hàm lượng hoạt chất của chế phẩm do cơ sở sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất không có phòng kiểm nghiệm thì phải có hợp đồng thuê cơ sở kiểm nghiệm có đủ năng lực. Hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm: - Văn bản công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm; - Bản kê khai nhân sự; - Văn bản phân công người chuyên trách về an toàn hóa chất do người đại diện theo pháp luật của cơ sở ban hành. Trường hợp cơ sở sản xuất hóa chất thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật về hóa chất, phải có thêm văn bản phân công người điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất. Trường hợp người điều hành sản xuất đồng thời là người chuyên trách về an toàn hóa chất thì văn bản phân công phải nêu rõ nội dung này; - Sơ đồ mặt bằng nhà xưởng, kho. Trường hợp sản xuất hóa chất thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật về hóa chất, phải bổ sung thêm giấy tờ chứng minh tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn của Bộ Công Thương; - Danh mục trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất và ứng cứu sự cố hóa chất; - Bảng nội quy về an toàn hóa chất; - Danh mục các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt nhà xưởng sản xuất. Trường hợp Sở Y tế triển khai công bố trực tuyến thì cơ sở sản xuất nộp hồ sơ trực tuyến. Nghị định cũng ban hành kèm theo các Phụ lục về mẫu Văn bản công bố, Văn bản đề nghị đăng ký lưu hành; Bản kê khai nhân sự; Phiếu tiếp nhận hồ sơ; Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành; Nội dung tài liệu kỹ thuật; Báo cáo quá trình lưu hành. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Khoản 12 Điều 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; các khoản 2 và 3 Điều 8 Nghị định số 108/2008/NĐ-CP được bổ sung, sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất; khoản 3 Điều 18 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hết hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016. |